[BÀI VIẾT] Văn chương có làm con người sống tốt hơn không?

“Con thích làm gì khi ở một mình?”
“Con thích đọc tiểu thuyết”
“Thế sau này lớn lên muốn làm gì?”
“Con muốn làm nhà văn”
“Uầy, sao lại văn vẻ thế này. Mấy cái văn chương tầm phơ tầm phào đó chả thực tế gì. Lớn rồi, mơ mộng ít thôi!”

Đó có lẽ là một đoạn đối thoại quen thuộc khi người lớn nói chuyện với tôi. Sở thích và cả cái tôi thường gọi là đam mê ấy luôn là những điều viển vông và mơ hồ trong suy nghĩ của hầu hết mọi người. Nhảm nhí, ru ngủ và lừa dối,… rất nhiều lần những nhận xét ấy về văn chương khiến tôi phải chạnh lòng mà đắn đo: Liệu văn chương có phải là vô nghĩa? Văn chương có giá trị gì trong cuộc đời này? Văn chương có làm con người sống tốt hơn hay không?

Là một sản phẩm của trí tưởng tượng, văn chương lắm lần bị cho là những lời hoa mỹ nhưng sáo rỗng. Những câu chuyện, vần thơ bật ra từ tâm tưởng của người nghệ sĩ kia đã bị cho là uỷ mị, yếu ớt; là sự hư cấu của những kẻ mộng mơ, là một ánh trăng lừa dối. Sự lãng mạn, nên thơ của văn chương bị cho là mộng tưởng, hoang đường và là xa rời thực tại cuộc sống. Văn chương với những con chữ và trang giấy trông nhẹ hẫng và đầy hồ mơ bị phủ nhận hoàn toàn bởi lẽ nó có đem lại gì đâu những kim tiền, vật chất xa hoa bày ra được ngay trước mắt? Giữa những con người quần quật với cuộc sống bộn bề để có cái ăn, cái mặc hay những vĩ nhân ngày đêm đấu tranh cho công lý thì nhà văn đã làm được gì khi chẳng có trong tay một phép thần thông nào, khi việc của họ là sống trong những tưởng tượng và hư cấu? Nếu văn chương có thể khiến người ta sống tốt hơn thì tại sao cuộc đời này vẫn chứa đầy những bất công và tàn ác? Tại sao đã có văn chương mà người ta vẫn sống trong niềm bất tin với thế giới, vẫn muốn tự vẫn, muốn rời bỏ cuộc đời? Là có giá trị ư khi lắm người mặc nhiên định rằng dính vào duyên bút mực là sẽ mang lấy số long đong? Cứ như thế, văn chương bị hoài nghi, chất vấn về giá trị và ý nghĩa sự tồn tại của nó trong cuộc đời này.

Tự hỏi mình những điều đó, rồi đến một ngày tôi đọc được trang sách mà Jean Paul Sartre đã viết rằng: “Văn chương là cứu cánh của thực tại”. Cứu cánh của thực tại? Bằng những gỉa định, tưởng tượng và hư cấu? Không, vì “nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối”! Văn chương dù là tác phẩm được sáng tạo bởi cái nhìn chủ quan của người nghệ sĩ, dù là tạo nên bằng ngôn từ phi vật thể nhưng nó không tách lìa khỏi cuộc sống, không phải là những điều xa vời hay gian dối. Văn chương như cách Virginia Woolf đã nói “như một mạng nhện có thể kết nối hơi lỏng lẻo nhưng vẫn luôn kết nối với cuộc sống từ bốn góc”. Văn chương làm sao mà tồn tại nếu nó không được ươm mầm từ cuộc sống này? Nếu không phải là cuộc đời thì cảm hứng của nhà văn từ đầu mà có để sáng tác, để có thể miệt mài đắm chìm trong thế giới của ngôn từ? Văn chương ấy, dù có viết về một tinh cầu xa xôi như hành tinh B612 của Hoàng tử bé hay một làng Macondo trong tưởng tượng của Marquez đi nữa thì cũng đều lấy chất liệu từ thực tại và hướng đến phản ánh cuộc sống mà thôi ! Văn chương chính vì vậy là “một diễn ngôn chênh vênh giữa đời thực”, nó xem thực tại là cái đẹp của mình và coi việc phản ánh, tái dựng cuộc sống là “một vận may kỳ diệu” (từ dùng của Đỗ Lai Thuý).

Vì bắt nguồn từ thực tại cuộc sống nên văn chương đã khiến cho Phillipe Jacollete phải nói rằng “Tôi đã già đi từ đầu đến cuối bài thơ”. Chỉ một bài thơ thôi cũng đủ khiến người ta cảm tưởng như mình sống qua cả một đời dài ! Văn chương là thế, khởi nguồn từ thực tại rồi tái hiện lại thế giới để qua mỗi câu chuyện, mỗi vần thơ, người đọc như “được già đi”, được sống, được trải nghiệm để rồi có thể nhận thức, hiểu biết và mở mang hơn về thế giới xung quanh. Thông qua những trang sách, con người ta biết về những câu chuyện đã thuộc về dĩ vãng, nhìn thấy được cuộc sống muôn hình vạn trạng bên ngoài cái thành phố mà mình sinh sống và còn trông được về rất tương lai xa xăm. Văn chương viết về cuộc đời và tất yếu, gắn liền với con người cùng những bản chất, số phận và vận mệnh. Vậy nên, đọc văn, ngẫm văn còn là cách để người ta hiểu được rõ ràng hơn về đồng loại mình và về chính bản thân mà như C.S.Lewis đã nói: “Khi đọc những kiệt tác văn học, tôi trở thành hàng ngàn con người khác nhau nhưng vẫn đồng thời vẫn là chính tôi”. Vậy nên, giá trị đầu tiên và vô cùng quan trọng của văn chương chính là khơi lên trong người ta nhận thức để không ngờ nghệch, lạc lối về cuộc đời và về chính con người của mình.

Viết về “thế hệ mất mát” với những tiệc tùng xa hoa hoà trong điệu jazz man mác, trầm tư, Francis Scott Key Fitzgerald đã đưa người đọc bao thế hệ trở về với thập niên 20 của thế kỉ trước qua kiệt tác “Đại gia Gatsby”. Câu chuyện là cuộc chạy đua của con người với sự leo thang của bạc tiền; là những “đổi chác, bán buôn” mà cái giá để có được địa vị, quyền quý là chính hạnh phúc của cả một đời người. Con người thuộc về thời hậu chiến đã phải đánh mất mình vì những “đốm xanh” phù phiếm mà ngay cả khi “nó đã tuột khỏi tay chúng ta” thì “chúng ta cứ thế dấn bước, những con thuyền rẽ sóng ngược dòng, không ngừng trôi về quá khứ”. Mỗi người đều như Gatsby, mang trong mình những khao khát, đam mê và thậm chí là cuồng vọng để rồi rong ruổi chạy theo giấc mơ của mình trong cơn mộng du. Và đọc về Gatsby để ta nhận ra mình ở đâu đó, dù không thuộc về thế hệ mất mát nhưng cũng chẳng còn lại gì. Dù không mang những chấn thương, ám ảnh tâm lý như Gatsby thì cũng đều thay đổi, biến chất và cũng không còn là mình của ngày đầu nguyên vẹn. “Đại gia Gatsby” kết thúc như một cách gọi ta dậy từ cơn mộng mị để nhìn lại những ước vọng của cuộc đời mình mà tự hỏi: Liệu nó có phải là thứ mà ta ao ước hay không và ta thì có đang trở thành nạn nhân của chính ước mơ mà mình ôm ấp bấy lâu nay?

Bộc phát từ những rung động trong thế giới nội cảm của nhà văn, văn chương ngay từ điểm khởi đầu của mình đã thuộc về phạm trù tâm thức và tinh thần. Chính vì thế mà cái đẹp và ý nghĩa của văn chương chỉ có thể nắm bắt được bằng tâm hồn, bằng những trái tim biết rung cảm, đồng điệu. Có người quan niệm văn chương là một tiếng gọi và thanh âm đó hướng về tâm hồn của con người. Văn chương không thúc ép hay cưỡng cầu, nó chỉ là một lời mời và ở đó để đợi chờ hồi đáp. Câu trả lời đó không nhất định phải là một hành động cụ thể, một tiếng nói mà đơn thuần là những rung động, bồi hồi thoáng qua trong tâm trí người đọc vì một trang sách hay; là sự căm phẫn, tức giận trước những điều tàn nhẫn, độc ác của các nhân vật phản diện và còn là sự xót xa, thương quý dành cho nỗi khổ, niềm đau trải dài trên những trang văn. Và chính những cảm xúc chân phương hiện lên trong tâm trí người đọc ấy sẽ thôi thúc người ta phải sống như một người có lòng lành, biết thương yêu, trân trọng cái Thật, cái Thiện và cái Đẹp. Văn chương dù viết những “lời ca tụng hân hoan” hay “tiếng thét khổ đau” đều xem đó như những con đường để bước vào thế giới tinh thần của người đọc làm thay đổi cái nhìn, tình cảm của họ về những sự vật, hiện tượng. Thay vì là lời giáo huấn hay ép buộc, văn chương cho người ta cái quyền chọn lựa để rồi tự trong thâm tâm họ, họ chấp nhận đổi thay, chấp nhận sửa chữa, hối lỗi và kiên quyết trở nên trong sạch, thanh cao hơn. Đó là cách văn chương đã thanh lọc và cứu rỗi cuộc đời này.

Là một tấn bi kịch nổi tiếng, Odipe trong “Odipe làm vua” của Sophocles với kết cục tự đâm mù mắt mình đã đặt ra cho người ta câu hỏi về những chọn lựa để sống với cõi mù. Odipe đã mang một đôi mắt sáng, tinh anh cùng trí tuệ, sức lực để không chỉ chiến thắng câu hỏi của Nhân Sư về đời người rằng: “Con gì sáng đi bằng bốn chân, chiều đi bằng hai chân và tối đi bằng ba chân?” mà còn cả trong cuộc đối đầu với chính cha mình. Thế nhưng, Odipe lại hoàn toàn mù mờ với câu hỏi “Tôi là ai?” và cứ như thế lần lượt phạm như sai lầm: giết cha và lấy mẹ của mình. Để rồi chàng chọn lựa việc tự làm mù mình như một cách kiếm tìm sự thật đầy bất lực trong kiếp mù loà như thể khẳng định lời Orhan Pamuk đã viết trong “Tên tôi là Đỏ” là không sai đi đâu: “Kiếp mù là cõi hạnh phúc tột cùng mà tội lỗi và quỷ sứ không thể vào được”. Ở cõi mù loà ấy, những tội lỗi và cám dỗ để ta gây ra tội lỗi sẽ không thể xâm phạm và ta sẽ không nhìn đời bằng đôi mắt chỉ trông thấy những bề mặt nông cạn kia nữa. Và như Saint-Expurery viết trong “Hoàng tử bé” rằng: “Chúng ta không thể nhìn rõ bằng mắt thường. Đôi mắt thường mù loà trước những điều cốt tử”. Dù là ai, người ta đều khao khát muốn biết được sự thật, nhất là sự thật về bản thân mình. Nhưng sự thật không dễ để nhìn thấu được, người ta phải đánh đổi, phải trả giá dù rằng cái giá có đắt đỏ ra sao. Và con người ta có phải đau đớn, khổ sở thế nào đều sẽ chỉ có thể thật sự sống trong sự thật thay vì những giả dối điêu ngoa. Chính vì thế, Odipe đã không chết đi mà bắt đầu một cuộc đời khác, tự hồi sinh chính mình sau sự trả giá đớn đau kia để tìm lại và giữ lấy toàn vẹn con người mình. Từ trong tận cùng bi kịch, như Aristote nói, Sophocles khiến người ta được thanh lọc để trở nên thiện lương và thanh cao hơn bằng những nhức nhối cùng cảm giác cay đắng, ngậm ngùi đến tận cùng.

Dostoevsky đã nói “Cái đẹp cứu chuộc thế giới” mà văn chương thì chính là cái đẹp: cái đẹp tạo nên bởi sự hoà quyện giữa cuộc sống và ngôn từ. Cái đẹp của văn chương vừa là cái đẹp của hình thức với những trau chuốt về từ ngữ, thanh âm, hình ảnh. Đồng thời, đó cũng lại là cái đẹp của nội dung được tạo nên bởi những ý nghĩa, thông điệp nhân sinh sâu sắc. Một sáng tác văn chương hài hoà, cân xứng cả về nội dung lẫn hình thức chính là tác phẩm nghệ thuật chân chính mà đã là nghệ thuật chân chính thì sẽ không bao giờ lãng quên, chối bỏ “thiên chức” cứu chuộc nhân gian. Cái đẹp đích thực sẽ là trường tồn và nó sẽ luôn ở đó khiến người ta ngưỡng vọng, đam mê và vươn mình lên cao không ngừng để xứng với nó. Chính những đắm say cái đẹp ấy khiến cho nhân gian được cứu chuộc bằng nghệ thuật. Vậy nên, ngay từ trong bản chất là một loại hình nghệ thuật, văn chương đã định sẵn là khiến cho cuộc đời này tốt đẹp hơn, thanh cao hơn ngay khi nó được đón nhận và nâng niu.

Một chút ngất ngây, một chút say sưa, đó là cách “Đây thôn Vĩ Dạ” bật ra từ “Một hồn đau rã lần theo sương khói” của Hàn Mặc Tử:

“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”

Là một tâm hồn ham mê sự sống hơn bất kỳ ai nhưng nghịch lý thay, Hàn Mặc Tử luôn phải ráo riết để níu kéo từng hơi thở trực chờ tan biến của mình và mặc cảm chia lìa ấy đã trở thành thân quen trong thơ ông. Văng vẳng từng hồi một cái âm thanh như ngân dài, như thống thiết của hai thanh bằng “đường xa” dồn dập nối đuôi nhau như thể vừa hối hả, vừa bịn rịn khi phút chia ly giờ hiện ngay tầm mắt. Nơi xa xôi kia là ai ở đó? Liệu là người đến hay người đi? Là ta hay là người mà sao cái sắc trắng kia giờ như xoá nhoà hết thảy. Màu trắng đến cực độ, đến bôi nhoè đi những sắc xanh của trời, sắc vàng của nắng. Màu trắng là màu của cái đẹp trong tâm thức Hàn về sự trong sạch, trinh nguyên hay màu trắng của những trống rỗng, phôi pha? Màu trắng hoà vào trong nhau và tan vào cảnh vật như chiếm lấy mọi thứ để thành sương, thành khói chất chồng lên bóng người nơi xa. Giữa những mông lung, mơ hồ ấy, mọi thứ như tan biến, như là hư vô và trong cái hồn thơ Hàn ấy giờ đây chỉ vọng vang một câu hỏi “Ai biết tình ai có đậm đà?”. Tình chàng hay tình nàng? Tình người hay tình ta? Yêu đương nào hình như đã từng đậm đà, sâu sắc để rồi giờ đây đặt cùng một câu hỏi với đầy hoài nghi, ngờ vực? Đối diện với khói sương, với những nhạt nhoà, thương yêu ấy, thâm tình ấy liệu có còn lại gì? Hay cũng như cái số kiếp của con người ấy rồi cũng sớm thôi, sẽ bị lãng quên, sẽ thuộc về dĩ vãng? Hàn Mặc Tử kết hợp hài hoà cả âm thanh lẫn hình ảnh thơ để tạo nên một bức tranh thuộc về tâm thức với đầy những chao đảo, ngả nghiêng của một linh hồn đầy hồ nghi về thực tại và những vần thơ ấy trở đi trở lại trong lòng người, luôn tiếp diễn sự sống của mình. Cái đẹp nhuốm màu buồn thương của nó có thể không thay đổi được những điều lớn lao nhưng đó là cái đẹp đủ để xoa dịu những tâm hồn đầy đơn côi và ám ảnh về chia xa như Hàn của ngày xưa vậy. Chỉ bấy nhiêu thôi, cái đẹp văn chương cũng đã cứu lấy con người rồi, cứu lấy phần hồn đầy yếu đuối, ngây ngô.

Virginia Woolf từng nói “Nhà văn mạnh mẽ trong sự khốn khổ chết chóc” phải chăng là vì họ có riêng cho mình một chỗ dựa, một trụ đỡ tinh thần? Vì sao đổi diện với từng mảnh vỡ vụn của cuộc đời, với cả những cơ cực, thương đau, họ vẫn sống, vẫn đối mặt và viết về nó thay vì trốn tránh, phớt lờ? Và vì sao họ đã chọn lựa văn chương? Có lẽ, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Trung đã không sai khi nói rằng “Viết là quên đi chính thực tại mình muốn nói và nói điều mình muốn giấu”. Nhà văn đã viết như thể giải thoát mình khỏi những khổ đau, tuyệt vọng. Đó là cách mà Dazai Osamu đã miệt mài sáng tác trong những năm tháng bất lực chạy trốn cuộc đời và cái chết thì không cho ông chọn lựa nó. Đó cũng là cách Anne Frank luôn trút trọn vẹn lòng mình trên những dòng nhật ký suốt thời gian trốn tránh Đức Quốc xã cùng nỗi sợ hãi không nguôi. Tất cả họ không phải để lan toả cái tiêu cực, đen tối ấy cho cuộc đời. Mà bởi vì chính sự chân thật của xúc cảm ấy sẽ làm người ta xích lại gần nhau hơn để sưởi ấm, dìu dắt nhau băng qua những thương tổn và bất hạnh. Theo cách ấy, nhà văn đã được văn chương cứu rỗi, đã được sống tốt hơn, ít nhất là thôi phải miên man trong những tâm tư rối bời. Và khi ấy, họ cũng đồng thời làm cho những người xung quanh mình có thể tìm được một cuộc sống mới, không phải bằng việc lãng quên, trốn chạy khỏi thực tại. Nhà văn đã hồi sinh lại cho con người những niềm tin vào ngày mai khi mọi sự lại khởi đầu và những tổn thương giờ chỉ còn trong hồi ức.

Nhưng tự thân văn chương không thể thay đổi thế giới, hàn gắn cuộc đời và đem đến cho con người một cuộc sống tốt đẹp hơn. Bởi lẽ văn chương chẳng là gì cả, không phải nghệ thuật, không phải “cuộc sống thứ hai” nếu nó không được người ta cầm lấy và đọc. Văn chương sẽ chỉ là một mớ giấy mực vô hồn, vô nghĩa nếu người ta không muốn đem đến sức sống cho nó thông qua hoạt động tiếp nhận. Chỉ khi người đọc “hiến dâng” mình cho tác phẩm để cảm nhận, đánh giá và đem nó vào cuộc đời mình thì văn chương mới có thể thay đổi thực tại. Sự thay đổi đó, không phải vì văn chương được “kích nổ” nhờ chất xúc tác là con người mà là do chính con người đã thay đổi cuộc đời mình nhờ có văn chương. Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu có từng nói “Nghệ thuật không vị nghệ thuật cũng không vị nhân sinh mà nhân sinh phải vị nghệ thuật”. Vì một khi “nhân sinh vị nghệ thuật”, nhân sinh chấp nhận nâng đỡ và tôn vinh nghệ thuật thì cũng đồng nghĩa là “nhân sinh vị nhân sinh”: con người tự sống vì chính mình, tạo ra giá trị và ý nghĩa cho chính cuộc đời mình nhờ vào sự cứu rỗi của cái đẹp. Văn chương chỉ có thể giúp con người tới đó mà thôi, con người không thể sống tốt hơn nếu không thức tỉnh, không dám sống và dấn thân !

Ai đó đã nói “Thơ ca, nếu không có người tôi đã mồ côi”. Nếu không có văn thơ có lẽ con người ta vẫn sẽ sống với một cuộc đời đủ đầy sung túc. Văn chương một khi mất đi có lẽ sẽ không khiến thế giới náo loạn, ồn ã. Bởi lẽ thiếu đi văn chương con người ta trở nên cỗi cằn và khô cứng. Còn lại gì đâu những yêu-ghét-hờn-thương, còn lại gì đâu những khát khao, say đắm và cả chán ghét, căm hờn? Thiếu đi văn chương, con người ta rồi sẽ phải sống ít đi một chút với sự thiếu thốn về cảm xúc, về tâm thức với những tưởng tượng, suy tư. Vậy nên, văn chương chính là một phần để con người có thể sống một cuộc đời tốt đẹp hơn.

Cô Trần Thị Phương Hảo.


Posted

in

by

Tags:

Comments

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *